NGHỆ NHÂN VŨ THỊ NGUYỆT ÁNH

Tranh bướm nghệ thuật là một làn gió mới, đánh thức cảm xúc yêu nghệ thuật của mọi người. Với sự nhảy cảm của tâm hồn và niềm đam mê với vẻ đẹp của cánh bướm mỏng manh,  chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (36 tuổi, 828/2 Trần Phú, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) “thổi hồn” vào những màu sắc hữu hạn của thiên nhiên tạo những bức tranh cánh bướm đẹp say lòng người.

Tranh bướm nghệ thuật là một làn gió mới, đánh thức cảm xúc yêu nghệ thuật của mọi người. Với sự nhảy cảm của tâm hồn và niềm đam mê với vẻ đẹp của cánh bướm mỏng manh,  chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (36 tuổi, 828/2 Trần Phú, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) “thổi hồn” vào những màu sắc hữu hạn của thiên nhiên tạo những bức tranh cánh bướm đẹp say lòng người.

Tuy đôi chân khiến chị đi lại khó khăn, vất vả nhưng đôi tay khéo léo và sự cảm thụ tinh tế của người phụ nữ đã giúp chị tạo nên hàng trăm bức tranh cánh bướm về đề tài quê hương, tình yêu, gia đình, thiên nhiên, tôn giáo…




          Tuổi thơ của chị là những năm tháng miệt mài học tập và rèn luyện sức khỏe vì đôi chân bị ảnh hưởng của bệnh sốt bại liệt. Nhờ tình yêu thương của gia đình, chị đã quyết tâm học hỏi để xây dựng ước mơ của bản thân. Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyệt Ánh tiếp tục vào học tại Trường Trung cấp Nghề Bảo Lộc, chuyên ngành chăn nuôi thú y. Trong quá trình học tại Trường, với sự yêu thích thiên nhiên đã giúp chị tiếp cận được với nhiều màu sắc độc đáo của loài bướm và đem lòng say mê chúng lúc nào không hay. Khi tốt nghiệp Trung cấp vào năm 2000, Nguyệt Ánh  khám phá ra kết hợp nghề thêu tay truyền thống và tiêu bản bươm bướm để tạo ra một loại tranh độc đáo, cũng như có một công việc tự lập ổn định.

Gia đình luôn sát cánh bên chị và ủng hộ Nguyệt Ánh xây dựng cho mình một nhà nuôi bướm để chủ động nguồn nguyên liệu làm tranh. Từ đây, những bức tranh bướm được trưng bày đã tạo được sự chú ý và yêu thích của nhiều người. Để rồi, “tiếng lành đồn xa” và cứ thế công việc của chị ngày một phát triển và được nhiều người yêu nghệ thuật trong và ngoài Bảo Lộc biết đến. Một năm sau, Nguyệt Ánh đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tranh bướm và đặt tên là Tranh bướm Ánh Kim. Chị Nguyệt Ánh chia sẻ: “Những cánh bướm nhiều màu sắc đã cho tôi sự sáng tạo vô tận. Đến nay, tôi đã sưu tầm được hơn 50 loại bướm và đó là những gam màu kỳ diệu nhất mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. Chính chất liệu đặc biệt này là nguồn cảm hứng giúp tôi tạo nên những bức tranh sinh động”.

          Trải qua hơn 14 năm khởi nghiệp, đến nay cơ sở Tranh bướm Ánh Kim có 8 lao động địa phương lành nghề,  có thu nhập ổn định và sáng tạo ra hàng ngàn bức tranh các loại. Tuy mộc mạc, nhưng tranh của chị toát lên nét độc đáo của tự nhiên. Từ những cánh bướm tiêu bản đơn giản, chị đã kết thành những bức tranh đầy màu sắc và “thổi hồn” vào đó một cuộc sống gần gũi, bình dị. Hiện nay, tranh bướm của chị được xuất bán đến các thị trường trong nước như: Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội… Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã liên kết đưa các đoàn du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về nghệ thuật làm tranh bướm. Chị Ánh tâm sự: “Để tạo ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh, phải qua rất nhiều công đoạn như chọn các loại bướm, ướp xác bướm, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... Sau đó, tùy vào ý tưởng và nội dung của từng bức tranh mà ta cần phải chọn những gam màu của cánh bướm cho phù hợp rồi kết chúng lại với nhau. Có bức tranh chỉ một con bướm, nhưng có tác phẩm cần đến hàng trăm cánh bướm. Giá trị của tác phẩm nằm ở sự nhạy cảm tinh tế của nghệ nhân khi lựa chọn cánh bướm nào sẽ truyền tải được cái hồn của bức tranh, hay từng chi tiết nhỏ nhất làm say đắm tâm hồn của những ai yêu cái đẹp.







Khi chiêm ngưỡng  những bức tranh, bạn sẽ không chỉ hòa mình vào không gian nghệ thuật mà xúc cảm còn gợi nhớ hình ảnh tuổi thơ, tình cảm gia đình, dấu ấn con người của tương lai hay quá khứ, niềm tin tôn giáo, phong cảnh quê hương hay cảm xúc tình yêu, tâm trạng ở nhiều cung bậc cảm xúc hoặc hồi tưởng đến những giá trị văn hóa nghệ thuật lịch sử của nhân loại.


          Để có được thành công như  hôm nay, chị Ánh phải trải qua nhiều thử thách và gian khổ nhưng chị vẫn luôn tự nhủ sẽ cố gắng phát triển cơ sở hơn nữa. Vì những  lao động miệt mài đó, chị đã được Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen. Đặc biệt, trong Chương trình “Sống cho điều ý nghĩa hơn”, Đài truyền hình Việt Nam đã trao tặng chị cúp lưu niệm. Ngoài ra, tranh bướm của chị đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm tranh ở Festival hoa Đà Lạt và Festival Huế cùng nhiều giấy bằng khen, giấy khen khác của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Vinh dự hơn, năm 2010, tác phẩm tranh bướm “Chuyện Tình Đà Lạt” được tuyển chọn để sản xuất hàng mẫu lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng.


 


Tranh Bướm Ánh Kim